TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
5. NGỦ CHUNG BUỒNG VỚI NGƯỜI CHƯA THỌ CỤ TÚC
A. DUYÊN KHỞI
1. SỰ KIỆN SÁU TỲ KHEO
Một thời, đức Thế tôn ở tại thành Khoáng dã. Bấy giờ, nhóm sáu tỳ-kheo cùng với các trưởng giả ngủ nơi nhà giảng.
Lúc ấy, trong nhóm sáu, có một vị khi ngủ với tâm tán loạn không hề hay biết, lăn mình qua, hình thể loã lồ. Lúc ấy có tỳ-kheo lấy y tủ lại. Sau đó lại lăn mình nữa, lộ hình như trước. Một tỳ-kheo khác cũng lấy y tủ lại. Vị ấy giây lát lại lăn mãi, dựng hình lên. Các trưởng giả thấy liền sanh cơ hiềm, cười lớn, chế giễu.
Bấy giờ, vị tỳ-kheo ngủ thức dậy, ôm lòng hổ thẹn, sắc mặt bạc nhợt. Các tỳ-kheo cũng hổ thẹn. Trong số ấy có vị thiểu dục tri túc, biết tàm quý, sống đầu đà, ưa học giới, hiềm trách tỳ-kheo này rằng, «Sáu tỳ-kheo này sao lại cùng với các trưởng giả ngủ chung?»
Các tỳ-kheo đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, đem nhơn duyên này bạch đầy đủ lên đức Thế tôn. Đức Thế tôn liền dùng nhơn duyên này tập hợp Tăng tỳ-kheo, quở trách nhóm sáu tỳ-kheo:
«Việc các ông làm là sai quấy, chẳng phải oai nghi, chẳng phải pháp sa-môn, chẳng phải tịnh hạnh, chẳng phải hạnh tùy thuận, làm điều không nên làm. Này nhóm sáu tỳ-kheo, sao các ông cùng với các trưởng giả ngủ chung?» Lúc bấy, giờ đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách nhóm sáu tỳ-kheo rồi, bảo các tỳ-kheo:
«Sáu tỳ-kheo này là những người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu, chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy»:
Tỳ-kheo nào, cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới, ba-dật-đề.
2. SỰ KIỆN LA-HẦU-LA
Thế tôn vì tỳ-kheo kiết giới như vậy.
Một thời, đức Phật ở nước Câu-thiệm-tỳ. Các tỳ-kheo nói như vầy, «Đức Phật không cho phép chúng ta cùng ngủ chung với người chưa thọ đại giới. Vậy bảo La-vân đi chỗ khác.»
Lúc ấy, La-vân không có nhà để ngủ, phải đến ngủ nơi nhà vệ sinh. Khi ấy đức Phật biết, liền đến nơi nhà vệ sinh, tằng hắng. La-vân cũng tằng hắng lại. Đức Thế tôn biết mà vẫn cố hỏi:
«Ai ở trong này?»
La-vân trả lời:
«Con là La-vân.»
Lại hỏi:
«Con làm gì ở đây?»
Đáp rằng:
«Các tỳ-kheo nói, không được cùng với người chưa thọ cụ túc giới ngủ chung, nên đuổi con ra.»
Đức Thế tôn liền nói:
«Các tỳ-kheo này sao lại ngu si, không có từ tâm, đuổi trẻ nít ra khỏi phòng? Đó là con của Phật, mà không thấu rõ được ý Ta hay sao? »
Đức Phật liền đưa ngón tay bảo La-vân nắm và dẫn vào phòng, cho ngủ đêm đó. Sáng sớm, tập hợp các tỳ-kheo, Ngài bảo rằng:
«Các ông không có từ tâm, nên mới đuổi con nít đi. Đây là con của Phật, mà không thấu rõ được ý Ta hay sao? Từ nay về sau, cho phép các tỳ-kheo cùng người chưa thọ đại giới cùng ngủ hai đêm. Nếu đến đêm thứ ba khi dấu hiệu bình minh chưa xuất hiện nên thức dậy tránh đi. Nếu đến đêm thứ tư, hoặc tự mình đi, hay bảo người chưa thọ đại giới đi.»
Từ nay về sau nên nói giới như vầy:
Tỳ-kheo nào, ngủ chung với người chưa thọ đại giới, quá hai đêm, đến đêm thứ ba, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Người chưa thọ (đại) giới: trừ tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, ngoài ra đều là người chưa thọ đại giới.
Ngủ chung buồng: Như trước đã nói.
Nếu tỳ-kheo đến trước, người chưa thọ đại giới đến sau; người chưa thọ giới đến trước, tỳ-kheo đến sau; hoặc cả hai đều đến một lượt, nếu hông chấm đất là phạm, nghiêng mình một chút phạm. Nếu nam cõi trời, nam a-tu-la, nam càn-thát-bà, nam dạ-xoa, nam ngạ quỷ và trong loài súc sanh có thể biến hóa hay không thể biến hóa, cùng ngủ quá hai đêm, ba đêm, phạm đột-kiết-la.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: Nếu tỳ-kheo trước không biết ở tại ấy, mà người chưa thọ giới đến sau; hoặc người chưa thọ giới đến trước, mà tỳ-kheo đến sau; hoặc nhà có lợp mà bốn phía không ngăn che; hoặc lợp hết mà ngăn che một nữa, hoặc ngăn che hết mà lợp một phần; hoặc ngăn phân nửa lợp phân nửa; hoặc ngăn một phần, lợp một phần; hoặc chỗ đất trống không; hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành; tất cả đều không phạm. Hoặc đầu bị choáng váng té xuống đất; hoặc bệnh nằm, hoặc bị cường lực bắt, hoặc bị trói nhốt, hoặc mạng nạn, tịnh hạnh nạn, thì không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới; si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.