TỨ PHẦN LUẬT
BA-DẬT-ĐỀ
8. NÓI PHÁP THƯỢNG NHÂN
A. DUYÊN KHỞI
Một thời, đức Phật ở tịnh xá Lầu các, bên bờ ao Di hầu, tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ tỳ-kheo nơi vườn Bà cầu, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhơn. Vì nhơn duyên này Phật tập hợp Tăng tỳ-kheo, biết mà cố hỏi tỳ-kheo nơi vườn Bà cầu:
«Có thật như vậy không?»
Thưa:
«Kính bạch đức Thế tôn, có thật như vậy.»
Đức Phật quở:
«Các ông là người si. Nếu là thật đi nữa còn không đem nói với người, huống chi là không thật.»
Đức Thế tôn dùng vô số phương tiện quở trách các tỳ-kheo nơi vườn Bà Cầu, rồi bảo các tỳ-kheo:
«Đây là người si, là nơi trồng nhiều giống hữu lậu, là kẻ phạm giới này ban đầu. Từ nay về sau, Ta vì các tỳ-kheo kiết giới, gồm mười cú nghĩa, cho đến câu chánh pháp tồn tại lâu dài.»
Muốn nói giới nên nói như vầy:
Tỳ-kheo nào, đối với người chưa thọ đại giới mà tự nói mình chứng ngộ pháp thượng nhơn, nói rằng, ‹Tôi thấy điều này, tôi biết điều này.› Nếu đây là sự thật, ba-dật-đề.
B. GIỚI TƯỚNG
Tỳ-kheo: nghĩa như trên.
Chưa thọ đại giới: như giới trước.
Pháp về con người: giới của con người, ấm của con người, nhập của con người.
Pháp thượng nhơn: chỉ cho các pháp xuất yếu.
Tự mình nói: nói mình đắc thân niệm, thiện tư duy, có giới, có dục, có không phóng dật, có tinh tấn, có định, có chánh định, có đạo, có tu hành, có trí tuệ, có kiến, có đắc, có quả. Nếu vị ấy thật sự có điều này, mà đến người chưa thọ đại giới nói rõ ràng, phạm ba-dật-đề; nói không rõ ràng đột-kiết-la.
Nếu dùng dấu tay, chữ viết, hoặc ra hiệu khiến cho người biết rõ ràng, ba-dật-đề, không rõ ràng, đột-kiết-la.
Nếu hướng đến các trời, a-tu-la, dạ-xoa, càn-thát-bà, rồng, ngạ quỉ, súc sanh có thể biến hóa mà nói pháp thượng nhơn, dù rõ ràng hay không rõ ràng đều phạm đột-kiết-la.
Nếu thật sự đã đạt được pháp thượng nhơn, lại hướng đến người đã thọ đại giới, nhưng họ chẳng đồng ý mà nói thì phạm đột-kiết-la; hoặc tự xưng là «Tôi đã đạt được căn, lực, giác, đạo, thiền định, giải thoát, nhập tam muội;» hướng đến người mà nói thì phạm ba-dật-đề.
Tỳ-kheo-ni, ba-dật-đề, thức-xoa-ma-na, sa-di, sa-di-ni, đột-kiết-la. Đó gọi là phạm.
Sự không phạm: nếu là Tăng thượng mạn; hoặc tự nói là do nghiệp báo chứ không nói là do mình tu mà được; hoặc thật sự đã đạt được pháp thượng nhơn, đến tỳ-kheo đồng ý mà nói; hoặc nói căn, lực, giác, đạo, giải thoát, nhập tam muội, mà không nói với người là «Tôi chứng đắc;» hoặc nói đùa giỡn, nói một mình, nói trong mộng, muốn nói việc này lại nói việc khác. Tất cả đều không phạm.
Người không phạm: phạm lần đầu tiên khi chưa chế giới, si cuồng, loạn tâm, thống não, bức bách.