KINH TẠP A-HÀM

KINH 198. LA-HẦU-LA (1)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trên núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá.

Bấy giờ Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Biết như thế nào, thấy như thế nào, để nơi nội thức thân của con cùng ở nơi tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

“Lành thay, La-hầu-la! Ông đã có thể hỏi Như Lai về ý nghĩa sâu xa này.”

Phật bảo La-hầu-la tiếp:

“Mắt hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng phải ở trong nhau, hãy biết như thật như vậy. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Này La-hầu-la, biết như vậy, thấy như vậy thì nơi nội thức thân của ta cùng ở nơi tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử.

“Này La-hầu-la, như vậy, ngã, ngã sở, ngã mạn kết sử không sanh, thì này La-hầu-la, đó gọi là đoạn trừ kiến chấp ái trược, đắc chánh vô gián đẳng, cứu cánh biên tế của khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như nói về “nội nhập xứ,” cũng vậy, “ngoại nhập xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức; nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; thọ phát sanh bởi nhãn xúc, thọ phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; tưởng phát sanh bởi nhãn xúc, tưởng phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; tư phát sanh bởi nhãn xúc, tư phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; ái phát sanh bởi nhãn xúc, ái phát sanh bởi nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc” đều nói như trên.