Chương 36: Tương Ưng Thọ

Phần Hai—Phẩm

19. Năm Vật Dụng

S.iv,223

Rồi người thợ mộc Pancakanga đi đến Tôn giả Udāyi; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Udāyi rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udāyi:

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn dạy có bao nhiêu thọ?

—Có ba thọ, này Pancakanga, được Thế Tôn nói đến: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này, này Pancakanga, được Thế Tôn nói đến.

Ðược nghe nói vậy, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udāyi:

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn không dạy ba thọ. Thế Tôn dạy chỉ có hai thọ: lạc thọ và khổ thọ. Còn về bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.

Lần thứ hai, Tôn giả Udāyi nói với thợ mộc Pancakanga:

—Này Pancakanga, Thế Tôn không dạy hai thọ. Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ hai, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udāyi:

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn không dạy có ba thọ. Thế Tôn dạy có hai thọ: lạc thọ và khổ thọ. Còn bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.

Lần thứ ba, Tôn giả Udāyi nói với thợ mộc Pancakanga:

—Này Pancakanga, Thế Tôn không dạy hai thọ. Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ ba, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udāyi:

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn không dạy có ba thọ. Thế Tôn dạy có hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Còn bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.

Như vậy, Tôn giả Udāyi không có thể thuyết phục được thợ mộc Pancakanga, và thợ mộc Pancakanga không thể thuyết phục được Tôn giả Udāyi.

Tôn giả Ānanda nghe được câu chuyện này giữa Tôn giả Udāyi và thợ mộc Pancakanga.

Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ānanda thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện xảy ra giữa Tôn giả Udāyi và thợ mộc Pancakanga.

—Dầu thật có pháp môn (pariyàyam), này Ānanda, nhưng thợ mộc Pancakanga không tín thọ Tỷ-kheo Udāyi. Và dầu thật có pháp môn, này Ānanda, nhưng Tỷ-kheo Udāyi không tín thọ thợ mộc Pancakanga. Có hai thọ, này Ānanda, theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có ba thọ theo pháp giải thích của Ta. Cũng có năm thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có sáu thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 16 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 108 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Như vậy, này Ānanda, là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn.

Này Ānanda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, này Ānanda, những ai không chịu chấp nhận, không chịu tán đồng, không chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống đấu tranh nhau, hủy báng nhau, tranh luận nhau với những khí giới miệng lưỡi. Như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn. Này Ānanda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, những ai chịu chấp nhận, chịu tán đồng, chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy, sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có tranh luận nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái.

Và này Ānanda, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn … Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Ānanda, có năm dục công đức này. Do duyên năm dục công đức này, này Ānanda, khởi lên lạc hỷ gì, đây gọi là dục lạc.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và trú Thiền thứ nhất. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tốt đẹp hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ānanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo tịnh chỉ các tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ānanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ānanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ānanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn … Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn … Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có sở hữu gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn … Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Này Ānanda, có thể có những người nói như sau: “Ðây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn … Ở đây, này Ānanda, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ānanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.

Sự kiện này xảy ra, này Ānanda. Có các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi như sau: “Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ tưởng định, và tuyên bố là Diệt thọ tưởng định ấy thuộc về lạc. Ý nghĩa này là gì và như thế nào?”. Ðược nói vậy, này Ānanda, các du sĩ ngoại đạo cần được trả lời như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn không tuyên bố thuộc về lạc, dựa vào lạc thọ. Nhưng chỗ nào, này chư Hiền, lạc được cảm thọ, chỗ ấy, Thế Tôn tuyên bố cảm thọ thuộc vào lạc thọ”.